chuyên đề sử
CHUYÊN ĐỀ: KHẮC HỌA BIỂU TƯỢNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT
NAM TRONG GIẢNG DẠY LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ .
- ĐẶTVẤNĐỀ
1. Cơ sở lí luận
Trong mỗi bài học chúng ta đều phải xác định được nhiệm vụ, mục tiêu của bài học về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Giữa các mục tiêu này phải có sự kết hợp hài hoà với nhau. Trong thời gian gần đây, khi áp lực của học sinh ngày càng lớn, bản thân học sinh chưa xác định được đúng động cơ học tập,lịch sử còn xem là “môn phụ”, năng lực tư duy của các em qua học tập bộ môn lịch sử nói chung và tạo biểu tượng nhân vật lịch sử nói riêng còn nhiều hạn chế , học sinh mới chỉ dừng lại là “biết” chứ chưa “hiểu”,nên học sinh chủ yếu học mang tính chất đối phó, “học vẹt” cốt để cho đủ điểm để rồi “chữ thầy lại trả cho thầy.”
Hơn nữa,quỹ thời gian dành cho bộ môn lịch sử còn ít, phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu đặc trưng của bộ môn, trong bài giảng lịch sử nếu chúng ta đưa ra những sự kiện lịch sử khô khan, mà không “thổi hồn,” “truyền lửa”vào bài giảng hoặc lồng khăc họa biểu tượng nhân vật lịch sử, miêu tả những trận đánh, những chiến công oai hùng…một cách sinh động thì chắc chắn mục tiêu hình thành thái độ, tư tưởng tình cảm cho học sinh sẽ hạn chế rất nhiều.
Ở nước ta trong Nghị quyết Đại hội X (2006) của Đảng đã chỉ rõ nhiệm vụ giáo dục của Trường THCS là: Bồi dưỡng cho thế hệ trẻ có kiến thức văn hoá toàn diện, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục khoa học xã hội và nhân văn.
- 2.Cơ sở thực tế
Đổi mới phương pháp dạy- học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và bộ môn lịch sử nói riêng, là nhiệm vụ quan trọng của chúng ta hiện nay. Đặc biệt là trách nhiệm của giáo viên bộ môn lịch sử – người trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn và truyền thụ kiến thức chohọcsinh.
Hiện nay nhiều học sinh còn rất mơ hồ về các nhân vật lịch sử các, anh hùng dân tộc, không hiểu bản chất của lịch sử những cống hiến của các nhân vật lịch sử đối với lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại.
Sẽ là sai lầm nếu chúng ta để cả một thế hệ thanh thiếu niên- chủ nhân tương lai của đất nước lại không có sự hiểu biết về lịch sử dân tộc, quên đi những vị anh hùng dân tộc đã xả thân hy sinh cho đất nước, e rằng truyền thống văn hoá dân tộc sẽ bị mai một.
Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu tâm huyết, đã đưa ra nhiều nguyên nhân khiến tình trạng chất lượng dạy- học môn lịch sử chưa đạt hiệu quả cao. Một trong những nguyên nhân đó là giáo viên chưa để ý đến tầm quan trọng của việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử trong bài giảng nhằm gây hứng thú cho học sinh để hình thành thái độ, tư tưởng, tình cảm của các em thông qua các nhân vật lịch sử.Nên giáo viên chưa dành một dung lượng thời gian cần thiết để khắc họa nhân vật lịch sử trong bài giảng.
Vậy khắc họa nhân vật lịch sử là gì? Theo cách hiểu của những nhà nghiên cứu lịch sử thì khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử là “Biểu tượng về những hình ảnh nhân vật lịch sử, nó vừa mang sắc thái riêng của nhân vật vừa chứa đựng bản chất của giai cấp, tập đoàn xã hội mà nhân vật đó đại diện được phản ánh trong đầu học sinh với những nét chung nhất, điển hình nhất”
Trên cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn, nhằm góp phần để khắc phục tình trạng trên góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Chúng tôi xin được mạnh dạn trình bày một số kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và thông qua ý kiến tham khảo các đồng nghiệp về việc khắ họa biểu tượng nhân vật lịch sử trong bài giảng lịch sử.
- THỰC TRẠNG
1. Về phía giáo viên
1.1 Thuận lợi
Thứ nhât, như chúng ta đã biết định hướng của Bộ GD&ĐT là chuyển từ dạy học thụ động sang dạy học phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của học sinh. Hay nói cách khác là “Tích cực hoá là một tập hợp các hoạt động nhằm làm chuyển biến vị trí của người học từ thụ động sang chủ động, từ đối tượng tiếp nhận tri thức sang chủ đề tìm kiếm tri thức để nâng cao hiệu quả học tập”. Lấy học sinh là trung tâm trong quá trình dạy và học.
Thứ hai, những năm qua, việc dạy học lịch sử đã có nhiều tiến bộ đáng kể góp phần vào sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì việc dạy học lịch sử ở trường trung học còn rất nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi.
Thứ ba, thực tế trong dạy học lịch sử tại trường THCS trên địa bàn huyện nói chung đã có những kết quả to lớn. Số học sinh đạt học sinh giỏi của tỉnh ngày càng tăng theo năm. Điều đó cho thấy sự nổ lực phi thường của thầy cô trong công tác dạy và học lịch sử và là nguồn cổ vũ động viên lớn đối với chúng tôi trong công tác giảng dạy bộ môn.
Thứ tư, nhà trường đã có sự quan tâm rất lớn đối với giáo viên nói chung và giáo viên lịch sử nói riêng bằng các buối tập huấn chuyên môn, đa số giáo viên đã được trang bị đầy đủ mạng internet, hệ thống máy chiếu đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng giảng dạy
1.2 Khó khăn
Thứ nhất, những năm giảng dạy, mặc dù luôn nổ lực tìm tòi học hỏi tuy nhiên việc dạy học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra: học sinh chưa hăng say học tập, chất lượng giáo dục môn học còn thấp đặc biệt là các em nhớ các nhân vật lịch sử còn ít
Thứ hai, quỹ thời gian dành cho mỗi bài học còn ít vì vậy khi lên lớp giáo viên chủ yếu là dành thời gian cho việc hoàn thiện tiết phân phối chương trình mà chưa có thời gian nhấn mạnh đến đóng góp của các nhân vật lịch sử. Vì vậy vai trò của nhân vật lịch sử nhiều khi không được làm rõ.
Thứ ba, việc giảng dạy đôi lúc bị lặp lại làm cho hứng thú dạy học có đôi lúc bị hạn chế. Sử dụng sự kiện, tiến trình lịch sử khô khan làm cho tiết dạy đôi lúc còn nặng nề.
- Về phía học sinh:
2.1, Thuận lợi:
Thứ nhất, đa số các em học sinh trong trường Tây Sơn có tinh thần cố gắng trong học tập, nghe lời thầy cô.
Thứ hai, đối tượng học sinh từ 12 tuổi đến 15 tuổi ở bậc THCS – tuổi hiếu động ưa thích điều mới, ham khám phá học hỏi, thích độc lập.
Thứ ba, các em được sự quan tâm động viên của toàn thể xã hội, được nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em học tốt như: trang bị máy chiếu ở hầu khắp các phòng học, kết nối internet để các em dễ dàng tìm kiếm thông tin phục vụ cho việc học tập.
2.2, Khó khăn:
Thứ nhât, thực tế cho thấy trong những năm gần đây, học sinh các trường trung học cơ sở hiện tượng học sinh hổng kiến thức lịch sử. Tình trạng học sinh “học vẹt,” “học tủ” bằng những sự kiện lịch sử khô khan cũng diễn ra rất phổ biến. Trong đó việc học sinh nhận thức về các nhân vật lịch sử tỏ ra rất mơ hồ. Ngay cả nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng vĩ đại như chủ tịch Hồ Chí Minh một số học sinh vẫn còn rất mơ hồ: có học sinh lớp 9 còn cho rằng Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người khác nhau.
Thứ hai, đối với học sinh trường THCS Tây Sơn, đa số các em là con em dân tộc ít người mức độ tiếp thu kiến thức chậm, ngôn ngữ diễn đạt hạn chế, thậm chí một số em còn chưa đọc thông sách giáo khoa, cách trình bày trong sách hầu như các em không chốt ra được ý chính. Ví như khi học về người lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Hương Khê giáo viên nêu câu hỏi : người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ngoài Phan Đình Phùng còn có ai ? học sinh trả lời còn có Vua Hàm Nghi và Tôn Thât Thuyết, …
Thứ ba, một số học sinh chưa có sự say mê môn học, nhiều em chưa tự giác học tập, vẫn còn hiện tượng học sinh không chuẩn bị bài mới ở nhà, không làm bài tập đầy đủ trên lớp, các em thiếu tập trung suy nghĩ, cho nên việc ghi nhớ các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử …. còn chưa rõ ràng, tường tận, đa số các em chỉ dừng lại mức độ nhận biết sự kiện lịch sử chưa biết liên hệ so sánh các sự kiện, các nhân vật lịch sử càng chưa biết vận dụng các môn học khác để giúp hiểu một bài học lịch sử.
Thứ tư, hiện tượng gần đây một số học sinh trên địa bàn huyện đã có những biểu hiện suy thoái về đạo đức như không tôn trọng thầy cô, chửi thề…điều này đòi hỏi những người làm công tác giáo dục nói chung, giáo viên giảng dạy lịch sử nói riêng cần phải giáo dục nhân cách cho các em thông qua mỗi bài học lịch sử.
Xuất phát từ những thuận lợi và khó khăn trên, chúng tôi xin đưa ra chuyên đề lịch sử « Khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử Việt Nam trong giảng dạy lịch sử ở trường trung học cơ sở » nhằm phát huy những thuận lợi và khắc phục những khó khăn góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.
III. NỘI DUNG
1.Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHẮC HỌA BIỂU TƯỢNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRONG BÀI GIẢNG
1.1. Việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử sẽ tạo ra sự kích thích và gây hứng thú học tập cho học sinh
Vậy hứng thú học tập học sinh là gì?. Theo I.Fkharla Noops ( nhà tâm lí giáo dục) “Hứng thú đó là nhu cầu nhuốm màu xúc cảm, xúc cảm đi trước gây động cơ và làm cho hoạt động của con người có tính hấp dẫn.” Một bài giảng lịch sử mà nghèo nàn, tẻ nhạt thì chắc chắn sẽ làm cho học sinh mệt mỏi, chán học. Chính vì vậy, việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử có tác dụng rất lớn trong việc kích thích hứng thú học tập của học sinh. Bởi vì trong khi lĩnh hội kiến thức khoa học hoàn thành nhiệm vụ nhận thức thì đồng thời học sinh cũng phát triển năng lực nhận thức kích thích phát triển tư duy của mình. Hơn nữa mỗi nhân vật lịch sử đều có cá tính, đặc điểm riêng nên không tạo sự nhàm chán cho học sinh.
Ví dụ: Cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, giáo viên có thể gợi ý cho học sinh về nhân vật Trần Quốc Tuấn: Thế kỷ XIII giặc Mông Nguyên rất hùng mạnh, vó ngựa của quân Mông Nguyên đi đến đâu thì nhà tan, cửa nát tới đó. Vua tôi nhà Trần đồng lòng đã đánh bại 3 lần quân xâm lược hung hãn, trong đó linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần 2 và 3 là Tiết chế Hưng Đạo Vương -Trần Quốc Tuấn – sau này được thế giới công nhận là một trong mười vị tướng tài nhất thế giới.
Hay khi nói đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thì chúng ta phải gợi mở cho học sinh lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa đó là Lê Lợi và nêu những công lao to lớn của ông đối với cuộc khởi nghĩa và với lịch sử dân tộc
Thông qua cách giới thiệu gợi mở và hấp dẫn về các nhân vật lịch sử sẽ kích thích học sinh chuẩn bị bài ở nhà và đó là cơ sở để tiết học tiếp theo sinh động, hấp dẫn.
1.2. Việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử góp phần hình thành nhân cách cho học sinh
Về mặt đạo đức, tình cảm, việc xây dựng biểu tượng nhân vật lịch sử thì các em không chỉ nhận thức về quá khứ thông qua các tri giác mà các em còn biết “rung động”, biết yêu cái chính nghĩa, yêu cái chân ,thiện,mỹ, ghét cái xấu xa tội lỗi
Việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử cho các em có nhiều ưu thế trong việc giáo dục tư tưởng tình cảm vì nó không những tác động lên trí tuệ mà còn tác động vào cả tâm hồn tình cảm của các em.
Thông qua những hành động của các anh hùng những người đấu tranh quên mình vì chính nghĩa, vì hạnh phúc và hòa bình, điều này tạo ra sự kính phục, lòng tự hào đối với các vĩ nhân và trong một hoàn cảnh nhất định nó còn thổi bùng ngọn lửa cách mạng của tuổi trẻ.
Ngược lại với những nhân vật lịch sử có những hành động đi ngược lại với quyền lợi của dân tộc, là nguyên nhân gây ra chiến tranh và tội lỗi, điều này sẽ tạo ra sự phản ứng từ các em, các em sẽ căm ghét trước những hành động hung bạo tàn ác…Về ý nghĩa này giáo viên cần đưa ra những việc làm cụ thể của nhân vật, để học sinh cảm nhận, bày tỏ thái độ đối với nhân vật lịch sử.
Ví dụ: Trong bài Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược từ thế kỷ XVI- XVIII, ngoài việc khắc hoạ nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ, tôi đề cập về Vua Lê Chiêu Thống như sau: Lê Chiêu Thống là một tên Vua bù nhìn bán nước, vì sự nhu nhược, yếu đuối , ích kỷ của bản thân và dòng họ để giữ chiếc ngai vàng mà Lê Chiêu Thống đã có hành động “ Rước voi về dày mả tổ”. Từ trước đến nay chưa có vị vua nào lại đê hèn đến như vậy…Thông qua một số hình ảnh khắc hoạ nhân vật Lê Chiêu Thống như vậy, học sinh sẽ rất bất bình, từ đó góp phần tạo nên nhân cách cho học sinh.
Hoặc trong bài 25 lớp 8: Kháng chiến lan rộng ra toàn quốc, Chúng tôi khắc họa về nhân vật Nguyễn Tri Phương. Ông là người thông minh có trí và được thăng tới chức quan võ đầu triều. Ông được cử làm kinh lược sứ ở Bắc Kỳ, đối phó với Pháp khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, ông đã chiến đấu dũng cảm hy sinh để bảo vệ thành. Bị thương rồi bị bắt Nguyễn Tri Phương kiên quyết giật băng, vứt thuốc và tuyệt thực tới chết. Một giáo sĩ người Pháp phải thừa nhận Nguyễn Tri Phương là con người xuất sắc nhiều mặt: yêu nước nồng nàn, là một chiến binh dũng cảm.
Qua việc khắc họa biểu tượng nhân vật Nguyễn Tri Phương, học sinh nhận thức được rằng: không phải bất kỳ vị quan triều Nguyễn nào cũng tỏ ra nhu nhược, tham sống sợ chết, mà qua đó giúp học sinh lòng khâm phục và biết cảm thông trước vận mệnh của đất nước. ..
1.3. Thông qua việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về cả một thời kỳ lịch sử
Thông qua những biểu tượng lịch sử chân thật và sinh động giúp học sinh nhận thức đúng vai trò của cá nhân trong lịch sử và mối quan hệ của cá nhân với quần chúng nhân dân. Không chỉ có một nhân vật lịch sử mà có thể có nhiều nhân vật lịch sử tiêu biểu cho thời đại. Những hoạt động của họ tạo nên bức tranh toàn diện của lịch sử.
Ở đây chúng ta không phải đề cao cá nhân lịch sử mà quên đi vai trò của quần chúng nhân dân, chính nhân dân là người làm nên lịch sử. Đồng thời thông qua đó cũng giúp các em hiểu rằng : Nếu cá nhân lịch sử nào có những hoạt động hợp với quy luật phát triển của thời đại nó sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của xã hội và có thể trở thành anh hùng, vĩ nhân. Ngược lại nếu cá nhân đó đi ngược lại với quy luật của lịch sử thì có thể bước đầu có một số kết quả nhất định nhưng cuối cùng cũng bị lịch sử đào thải và họ có thể trở thành tội đồ .
Tuy nhiên lịch sử cũng không phủ nhận đã có nhiều nhân vật có đóng góp to lớn tạo nên bước ngoặt trọng đại của mỗi quốc gia, dân tộc, thậm chí có tầm ảnh hưởng tới cục diện thế giới.
Ví dụ : Trong Cuộc kháng chiến chống quân Minh ở thế kỉ XV, để giành thắng lợi trọn vẹn có biết bao người lính vô danh đã ngã xuống trong cuộc đọ sức với quân thù hung bạo. Nhưng trên ai hết Lê lợi, Nguyễn Trãi là biểu trưng cho lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi chúng ta .
Hoặc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi đó đã đưa cả dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự chủ, thống nhất tiến lên con đường Chủ nghĩa xã hội. Với chiến thắng làm chấn động khắp địa cầu đó, nhân dân thế giới khi nhắc tới Việt Nam là nhắc tới Hồ Chí Minh , Võ Nguyên Giáp.
Thông qua hai biểu tượng nhân vật lịch sử này giúp cho học sinh cũng như cả thế hệ chúng ta có quyền tự hào về thời đại Hồ Chí Minh thời đại kháng chiến chống quân xâm lược. Từ đó, góp phần bồi dưỡng, hoàn thiện nhân cách, đem lại cho mỗi người niềm tin chính đáng về truyền thống vẻ vang, về những trang sử hào hùng của cha ông. Như vậy thông qua việc hiểu biết về nhân vật lịch sử giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn về một thời đại lịch sử.
2. TẦM QUAN TRONG CỦA VIỆC KHẮC HỌA BIỂU TƯỢNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRONG BÀI GIẢNG
2.1. Việc khắc họa biểu tượng lịch sử trong bài học lịch sử giúp học sinh nhớ lâu, nhớ đúng theo trình tự xuất hiện của nhân vật lịch sử gắn với những công lao và chiến công của họ.
2.2. Giáo dục học sinh lòng yêu nước, lòng biết ơn đối với các nhân vật lịch sử đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đồng thời biết đánh giá, so sánh các nhân vật lịch sử, biết yêu ghét phân minh đối với các nhân vật lịch sử. Từ đó góp phần xây dựng, phát triển nhân cách cho các em.
2.3. Mỗi nhân vật lịch sử gắn liền với một giai đoạn lịch sử, họ thường là cá nhân xuất sắc của một giai đoạn, một thời kì lịch sử. Vì vậy khi xây dựng biểu tượng nhân vật lịch sử thường gắn với chiến công, cống hiến của họ đối với giai đoạn lịch sử, điều đó sẽ giúp học sinh nắm chắc các giai đoạn lịch sử và tiến trình lịch sử hơn.
3. NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN TRONG VIỆC KHẮC HỌA BIỂU TƯỢNG NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRONG BÀI GIẢNG
3.1. Yêu cầu đối với việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử trong bài giảng lịch sử
Đây là một yêu cầu rất quan trọng khi tìm hiểu về nhân vật lịch sử. Trước tiên tư liệu chúng ta tiếp cận phải có tính tin cậy cao, đầy đủ và cùng một tính chất, chúng ta không được“ tô hồng”hay“bôi đen” nhân vật lịch sử. Khi nhận định về nhân vật lịch sử cần có tính khách quan, công bằng để cho học sinh có cách nhìn đúng đắn.Tài liệu, sự kiện chính xác yêu cầu người giáo viên phải biết vận dụng những thành tựu mới nhất của khoa học lịch sử, được nhiều người công nhận.
Tính đầy đủ ở đây là chọn lựa một số sự kiện điển hình nhất vừa sức tiếp thu của học sinh làm nổi bật được bản chất của nhân vật .
Truyền thống quê hương gia đình dòng họ là quan trọng nhưng không phải là bất biến, càng không thể phủ nhận ý trí vươn lên của những người từ tầng lớp cần lao.
Ví dụ: Yết Kiêu sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm. Từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ. Ông là gia nô của Trần Hưng Đạo và ông đã trở thành vị tướng giỏi cận vệ trung thành của Trần Hưng Đạo
Trái lại cũng không hiếm trường hợp cha ông là anh hùng cái thế nhưng con chỉ là lũ hư đốn như Lê Uy Mục. Lê Uy Mục vị vua thứ 8 của nhà Hậu Lê – dòng tộc Hậu có nhiều vị vua sáng nhất của chế độ phong kiến Việt Nam nhưng Uy Mục lại là một vị Hoàng đế tàn bạo và hoang dâm, và “điềm loạn đã xuất hiện từ đấy”
Như vậy trong việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử thì yếu tố chính xác,đầy đủ và khoa học đóng một vai trò rất quan trọng.
3.2. Một số biện pháp khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử trong bài giảng lịch sử
3.2.1. Kết hợp sử dụng văn thơ trong việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử
Người xưa thường nói: “ Văn, sử bất phân” là nhấn mạnh tới mối quan hệ máu thịt giữa các lĩnh vực nhận thức này. Dẫu rằng đặc trưng của văn học là hư cấu, nhưng vẫn có thể nhận ra sự thực lịch sử đằng sau những tác phẩm văn học.
Điều này đòi hỏi người giáo viên luôn biết tìm tòi, khám phá để có kiến thức về xã hội, đặc biệt những bài văn thơ liên quan đến bài học lịch sử nói chung và nhân vật lịch sử nói riêng. Hơn nữa giáo viên cũng cần biết sử dụng kiến thức đúng lúc, đúng chỗ, biết vận dụng và kết hợp một cách nhuần nhuyễn, tạo cho học sinh có cái nhìn tổng quát nhiều chiều trên phương diện lịch sử. Một điều tôi nhận thấy rằng: thường các nhân vật lịch sử lại chính là đề tài cảm hứng để các nhà văn, nhà thơ sáng tác.
Ví dụ: Khi giảng bài Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng( năm 40) ( Lịch sử 6). Để khắc họa biểu tượng nhân vật Hai Bà Trưng chúng ta có thể cho học sinh tìm hiểu và phân tích đoạn trích trong “ Thiên Nam ngữ lục” :
“ Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này”
Từ đó thấy được khí phách hiên ngang của Hai bà Trưng đồng thời qua đó thấy được nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa.
Đối với bài Quang Trung xây dựng đất nước ( Lịch sử 7) ,khi đánh giá vai trò của vua Quang Trung, giáo viên mượn lời thơ của công chúa Lê Ngọc Hân và phân tích cho học sinh biết về công lao to lớn của ông:
“Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước, xiết bao công trình”
Hay khi giảng bài Kháng chiến lan rộng ra toàn quốc. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ năm 1873 đến 1884. Nhà Nguyễn đầu hàng. Khi khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử Hoàng Diệu, ngoài việc cho học sinh biết về thân thế, sự nghiệp và tính cách tôi lồng ghép vào bài thơ của cụ phó bảng Nguyễn Trọng Tịnh:
“Tay đã cầm bút lại cầm binh
Muôn dặm giang sơn nặng một mình
Thờ chúa, chúa lo, lo với chúa
Giữ thành, thành mất, mất theo thành
Suối vàng chắc hẳn mài gươm bạc
Long đỏ đành đem gửi sử xanh
Dư biểu nay còn sôi chính khí
Khiến người thêm trọng bút khoa danh”
Chính những vần thơ này sẽ tạo ra ấn tượng cho học sinh, giúp các em hứng thú say mê lĩnh hội kiến thức sâu sắc hơn về nhân vật lịch sử.
Hay khi những bài liên quan đến chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta có thể yêu cầu học sinh nhớ đến những bài thơ văn viết về Người để tạo khắc họa biểu tượng cho các em.
3.2.2. Kết hợp việc khắc hoạ biểu tượng nhân vật lịch sử thông qua lời bình
Trong giờ học lịch sử yếu tố quan trọng để góp phần tạo nên hứng thú học tập cho học sinh để các em tích cực, chủ động sáng tạo thì bản thân người giáo viên ngoài việc nắm vững kiến thức thì cần biết sử dụng linh hoạt các phương tiện dạy học và các phương pháp truyền đạt. Điều tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn ở đây chính là vừa giảng vừa bình luận trên cơ sở khách quan, chân thực. Chính điều này tạo ra cho học sinh cái nhìn về nhân vật lịch sử sâu sắc và toàn diện hơn, mà không gò bó bởi kiến thức có sẵn.
Người giáo viên được xem là “kỹ sư tâm hồn” nên ở góc độ này việc bình luận nhân vật lịch sử cần khách quan, chân thực, đồng thời hiểu rõ .Việc giáo dục học sinh phải phục vụ đường lối của Đảng và chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân
Yếu tố quan trọng nhất trong bình luận là phải giáo dục được lòng yêu nước, yêu lao động biết trân trọng và biết ơn thế hệ cha ông chúng ta. Khi bình giảng, đánh giá về một hành động của nhân vật phải xem xét “cái nghĩa”của hành động ấy. Một hành động cụ thể của nhân vật lịch sử luôn có nội dung và ẩn ý ở đằng sau. Bởi vì hành động của con người không phải là một phản xạ bất kì mà là những quyết định được định hướng trước. Vì vậy những hành động của nhân vật giáo viên cần bình luận và định hướng cho học sinh nhận thức về những hoạt động có tính bản chất của nhân vật ở trong một thời điểm lịch sử cụ thể.
Ví dụ: Trong bài phong trào dân tộc và dân chủ ở Việt Nam từ 1919-1925 (ở lớp 9) . Khi nói về Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứư nước, ngoài việc cung cấp cho các em học sinh về những sự kiện cơ bản thì tôi bình luận thêm: Khác với các nhà yêu nước trước kia như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các bậc tiền bối khác, thường sang Trung Quốc và Nhật Bản để tìm đường cứu nước bởi đó là những nước đồng chủng, đồng văn, nhưng ngay từ đầu Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức rằng: “Muốn đánh thắng kẻ thù thì phải hiểu rõ về kẻ thù đó” nên Người muốn sang tận bên nước Pháp để tìm hiểu, điều này dẫn tới hướng ra đi của Nguyễn Ái Quốc khác với các vị tiền bối trước kia.
Về tư thế ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc cũng khác biệt: Nếu như trước đây các chí sĩ tìm đường cứu nước thì ít nhất phải thi cử đỗ đạt thì lời hiệu triệu mới có kết quả cao, như Phan Bội Châu từng nói:
Ba tấc lưỡi gươm mà súng
Một ngòi lông mà trống mà chiêng.
Riêng Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng…
Như vậy, thông qua việc bình luận, so sánh thì học sinh ngoài việc nắm các sự kiện lịch sử cơ bản thì học sinh nhận thức được rằng: Không phải ngẫu nhiên mà hướng ra đi và tư thế ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc khác với các bậc tiền bối, dẫn tới kết quả cũng sẽ khác, điều này tạo nên sự mới mẽ trong nhận thức của học sinh.
3.2.3. Sử dụng tranh ảnh, phim tư liệu liên quan đến khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử
Có thể nói đây là cách hay và hiệu quả nhất giúp học sinh hiểu về nhân vật lịch sử thông qua sự hướng dẫn của giáo viên, bởi đây là những hình ảnh mang tính trực quan sinh động, đặc biệt là những thước phim tư liệu. Đây là những bằng chứng sống nên nó mang tính thuyết phục cao.
Các tranh ảnh, tư liệu có thể có ở ngay trong sách giáo khoa hay trong bảo tàng, trên mạng…giá trị khoa học của những bức tranh thước phim này là ở đối với chỗ nó không chỉ có ý nghĩa đối với nhân vật mà còn đối với vận mệnh của đất nước, của dân tộc.
Trước hết cần chọn những tranh ảnh phản ánh những sự kiện lịch sử đang học. Từ những hình ảnh,thước phim tư liệu giáo viên giải thích các hoạt động của nhân vật để rút ra kết luận khái quát bài học cho cuộc sống hiện tại.
Với những yêu cầu như vậy, giáo viên cần hướng dẫn học sinh nhận thức những nét cơ bản về sự kiện được phản ánh trong tư liệu chứ không sa vào miêu tả chi tiết,vụn vặt.
Ví dụ : khi giảng bài 23 lớp 9 ở phần : Nước việt nam dân chủ cộng hòa giáo viên có thể sử dụng tư liệu về “ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đọc bản tuyên ngôn tại quảng trường Ba Đình”. Thông qua bức tranh này giáo viên hướng dẫn học sinh tìm những chi tiết điển hình nhất đó là: hình ảnh Hồ Chí Minh với dáng người gầy nhỏ, đôi mắt sáng, mặc áo kaki sẫm màu, mỉm cười xuất hiện trên lễ đài cùng đông đảo quần chúng nhân dân. Một chi tiết điển hình là khi đang đọc bản tuyên ngôn Bác dừng lại hỏi “ Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” thì lúc đó cả rừng người đồng thanh nói:“rõ”.Trên cơ sở đó học sinh thấy được toàn dân Việt Nam đoàn kết xung quanh Đảng và Bác Hồ. Đây chính là yếu tố quan trọng tạo nên cuộc chiến thắng thần thánh của dân tộc ta.
Từ những hình ảnh trên giúp các em hiểu rõ và sâu sắc hơn, tác động trực tiếp đến tâm tư, tình cảm của các em.
3.2.4. Xác dịnh không gian ,thời gian hoàn cảnh lịch sử trong việc khắc họa biểu tượng nhân vật
Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn về nhân vật lịch sử. Nếu không có biểu tượng về không gian và thời gian thì học sinh sẽ không khôi phục được bức tranh của quá khứ một cách sinh động và hiệu quả.
Chẳng hạn, khi chúng ta khắc họa biểu tượng về cụ Nguyễn Trường Tộ, sẽ là không sâu sắc nếu như học sinh không biết trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam đang ở thời kỳ suy thoái, bọn vua quan chỉ là những kẻ kém tài tham vị và bảo thủ. Vì quyền lợi ích kỷ của bản thân và dòng họ nên cố giữ chiếc ngai vàng bằng mọi giá. Chính điều này làm giảm sức đề kháng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân thù, nguy cơ Việt Nam mất nước đang đến gần.Trong khi đó ở Châu Á thì Nhật Bản bằng việc cải cách của cuộc Duy Tân Minh Trị đã giúp Nhật Bản thoát khỏi nguy cơ trở thành thuộc địa của các nước Phương Tây mà còn tạo điều kiện cho kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ…hoặc chí ít là Thái Lan cũng giữ được quyền độc lập cơ bản.
Chính trong bối cảnh đó, Nguyễn Trường Tộ đã đưa ra bản điều trần gồm khoảng 80 bản trong 8 năm (1863-1871).
Như vậy thông qua bối cảnh đất nước về không gian và thời gian thì ngoài việc học sinh nắm được về thân thế và những đóng góp của ông thì học sinh còn hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa của bản điều trần, thể hiện sự thức thời của Nguyễn Trường Tộ, đồng thời cũng thấy rõ hơn sự bảo thủ của triều Nguyễn và trách nhiệm của triều Nguyễn trước việc Việt Nam bị mất nước.
Trong bài 27 lịch sử 9: Cuộc kháng chiến chống thực dâphápkếtthúc(1953-1954)
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ khi hoàn cảnh quyết chiến giữa ta và Thực dân Pháp đã xuất hiện những người anh hùng “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” như: Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót
Hay để làm nổi bật sự tài tình trong lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và bộ tổng tư lệnh đứng đầu là đại tướng Võ Nguyên Giáp chúng ta cần làm rõ về bối cảnh của việc ta mở chiến dịch lịch sử này:
Sau khi địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20-11, Tổng quân ủy đã nhận định âm mưu của địch và cử ngay cơ quan tiền phương lên Tây Bắc chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị đã thông qua phương án với dự kiến địch sẽ tăng cường thành tập đoàn cứ điểm thì trận Điên Biên Phủ sẽ là trận công kiên lớn nhất từ trước đến nay. Kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị phê duyệt. Tháng 12-1953 Bộ Chính trị chỉ định Đảng ủy mặt trận và Bộ chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng chiến dịch
3.2.5. Dùng những lời nhận định về nhân vật lịch sử của những người nổi tiếng nhằm tăng tính thuyết phục
Có thể nói rằng: nguồn tư liệu càng phong phú thì càng tạo nên tính hấp dẫn và thuyết phục cao hơn trong việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử. Những lời nhận định đó có thể là của đồng chí, đồng đội,thậm chí có thể là lời nói của chính kẻ thù.
Ví dụ: Khi học bài 24 lịch sử lớp 8 “Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ 1858 Đến 1873”, chúng ta có thể lấy câu nhận định của một giáo sĩ người Pháp thừa nhận khi ông dũng cảm chiến đấu đến cùng để bảo vệ thành Hà Nội: “Nguyễn Tri Phương là con người xuất sắc nhiều mặt, yêu nước nồng nàn và là một chiến binh dũng cảm”
Hoặc khi nói về đại tướng Võ Nguyên Giáp chúng ta lấy lời của kí giả người Anh Piter Mac Donald : “Năm 1944 đến năm 1975 cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành thống soái lớn nhất của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường.Trong lĩnh vực chiến tranh khó có vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở trình độ cao. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có.”
Như vậy với việc lấy những lời dẫn của những người nổi tiếng mang tính súc tích cao, bao quát được vấn đề giúp học sinh hiểu được về biểu tượng nhân vật lịch sử một cách sâu sắc và toàn diện hơn.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Với những giải pháp đã đưa trên chúng tôi hi vọng rằng chuyên đề của nhóm sử trường THCS Tây Sơn đáp ứng được phần nào công cuộc đổi mới phương pháp dạy học lịch sử trong trường THCS góp phần vào sự nghiệp đổi mới toàn diện giáo dục chung của cả nước với mục tiêu giáo dục kiến thức kết hợp với giáo dục nhân cách cho học sinh, tạo hứng thú và kích thích khả năng tìm tòi ham khám phá của các em.
Việc áp dụng chuyên đề này theo chúng tôi là rất phù hợp với đối tượng học sinh ở độ tuổi THCS và trên địa bàn toàn huyện, điều này sẽ giúp các em tiếp cận tốt nhất, hiệu quả nhất bài học lịch sử, các em sẽ nắm rõ nhân vật lịch sử kích thích tối đa khả năng khám phá của các em và từ đó sẽ giúp các em hiểu rõ tiến trình lịch sử của dân tộc và nhân loại. Vì vậy việc khắc họa biểu tượng nhân vật lịch sử có vai trò to lớn trong dạy học lịch sử là còn đường ngắn nhất giúp học sinh không quay lưng lại với môn học có sứ mệnh cao quý này.
Việc xây dựng nhân vật lịch sử trong bài giảng chỉ là một khía cạnh trong toàn bộ nội dung bài giảng lịch sử, góp phần kích thích tạo nên sự tích cực, chủ động sáng tạo trong hoạt động dạy- học thông qua đó hình thành cho các em thái độ, tư tưởng tình cảm đóng góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách.
Dạy học nghề cao quý, việc dạy tốt, dạy hay để các em có hứng thú say mê học tập, nâng cao hiểu biết phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nhưng quan trọng nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tâm huyết nghề nghiệp. Người thầy giáo cần nêu tấm gương sáng về tinh thần tự học và sáng tạo cho học sinh noi theo bằng việc nâng cao chất lượng giảng dạy, kết hợp với việc giáo dục nhân cách cho học sinh thông qua các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong bài giảng lịch sử.
2.Kiến nghị
Giáo viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cần phải học tập nắm vững kiến thức để tránh tình trạng nhầm lẫn trong dạy học lịch sử. Đồng thời cần có sự hiểu biết sâu rộng các lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là môn khoa học xã hội và nhân văn. Giáo viên cần cung cấp những kiến thức mới mẽ, hấp dẫn gây ấn tượng để giúp các em tích cực và chủ động hơn trong giờ học lịch sử khiến giờ học trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả.
Biết kết hợp nhuần nhuyễn các phương tiện và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với yêu cầu của nội dung bài học, từng nhân vật lịch sử. Không nên gò bó áp đặt, giáo viên đặt những câu hỏi có tình huống để học sinh phát huy khả năng tư duy sáng tạo. Tuy nhiên giáo viên cũng cần có định hướng để học sinh có nhận thức đúng đắn về lịch sử nói chung và nhân vật lịch sử nói riêng.
Phải biết tích hợp giáo dục kiến thức lịch sử với giáo dục nhân cách cho học sinh thông qua việc nhận thức đánh giá về vai trò vị trí của các nhân vật lịch sử. Đồng thời, giúp các em có cái nhìn nghiêm túc, xoá dần sự nhìn nhận lịch sử là một môn phụ của đa số các em học sinh cũng như quan niệm của xã hội.
TTCM Người thực hiện
Lê Thị Chánh