Giới thiệu về nhà trường

00011                                                                  TÂY SƠN – VÙNG ĐẤT ANH HÙNG

 

Những chiến công lừng lẫy trong các cuộc chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc của quân đội Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của người anh hùng dân tộc “áo vải, cờ đào” Quang Trung-Nguyễn Huệ diễn ra ở hai miền Nam, Bắc: đánh tan 5 vạn thủy quân Xiêm xâm lược (1-1785) ở Rạch Gầm- Xoài Mút (Mỹ Tho) nay thuộc tỉnh Tiền Giang; đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược (1-1789) ở Ngọc Hồi – Đống Đa ở kinh đô Thăng Long, Hà Nội bây giờ. Còn “đất thánh”, đất căn bản, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lại bắt đầu ở miền Trung Nam Bộ: vùng đất Tây Sơn, thuộc tỉnh Bình Định.

Vào thế kỷ 18, Tây Sơn bao gồm hai vùng đất khác nhau ở miền núi rừng phía tây phủ Quy Nhơn (Bình Định), được tách chia bởi đèo Mang (tức đèo An Khê). Phía trên đèo, vùng đất hiện nay chủ yếu thuộc hai huyện An Khê và Kơ-bang (tỉnh Gia Lai) xưa được gọi là Tây Sơn thượng đạo. Còn vùng đất ở phía dưới đèo thuộc huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) xưa được gọi là Tây Sơn hạ đạo. Cả hai vùng đất này là miền quê đáng tự hào của dòng họ Nguyễn (gốc gác họ Hồ từ Nghệ An vào định cư hàng trăm năm) và là căn cứ khởi nghĩa chống ách thống trị bạo ngược của phong kiến Đàng trong, Đàng ngoài (Nguyễn, Lê-Trịnh) của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Tây Sơn thượng đạo là một vùng đất rộng, bằng phẳng, chất đất tốt, có dòng sông Ba thường xuyên cung cấp nước, có khí hậu tương đối ôn hòa, dịu mát, thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi và còn là nơi sẵn voi, ngựa, có mỏ sắt, diêm tiêu, nhiều gỗ quý. Tây Sơn thượng đạo cũng là nơi hội tụ nhiều tuyến đường giao thông, mà tuyến đường từ Quy Nhơn qua An Khê tới Kon Tum đi A-tô-pơ (Lào) là tuyến quan trọng nhất. Với những điều kiện thuận lợi đó, Tây Sơn thượng đạo được ba anh em nhà Tây Sơn chọn làm nơi xây dựng doanh trại; thao trường huấn luyện quân sự; nơi tập hợp, phát triển lực lượng; nơi gây dựng trang trại, phát triển sản xuất lương thực, chăn nuôi, tự cấp, tự túc… Như vậy, vào khoảng giữa thế kỷ 18, Tây Sơn thượng đạo đã có đủ các yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, rất thuận tiện cho việc xây dựng đất căn bản, xây dựng cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa chống phong kiến, trong giai đoạn đầu tiên. Hơn ai hết, anh em nhà Nguyễn Huệ đã sớm nhận ra vị trí đặc biệt của vùng đất này và đã kiên trì chuẩn bị lực lượng lâu dài ở đây.

Trên cơ sở lực lượng khởi nghĩa đã phát triển rộng lớn, Bộ Tham mưu của cuộc khởi nghĩa bắt tay vào xây dựng đồn, trại, tổ chức lực lượng quân sự, biến Tây Sơn thượng đạo thành “An toàn khu”, một căn cứ chuẩn bị khởi nghĩa. Vùng ấp Tây Sơn được chọn làm địa bàn xây dựng lực lượng, làm chỉ huy sở đầu tiên. Khu vực đó ngày nay là thôn An Lũy và An Khê Trường. Hiện nay, thôn An Lũy vẫn còn dấu tích cũ. Đó là một chiến lũy hình bảy cạnh khép kín, chu vi rộng 1.900 mét, có bốn cửa đông, tây, nam, bắc. Bờ lũy trong bị phá hỏng nhiều nhưng vẫn còn lại những đoạn lũy dài hàng chục mét, cao trên dưới một mét. Những đoạn lũy này hoàn toàn đắp bằng đất thành hai lớp lũy trong và ngoài, rộng chừng hơn 3 m, trên trồng tre; giữa hai lớp lũy là hào giao thông rộng 3,5 m. Lũy An Khê được lập ra ở vị trí trung tâm của lòng chảo An Khê, bốn phía đều có núi che chở. Sông Ba và suối Cái như một chiến hào thiên nhiên bao quanh các mặt phía tây, tây nam và đông nam của lũy. Một phần phía đông và toàn bộ phía bắc là ruộng trũng. Phía trong của lũy có hồ nước che chở. Lũy An khê là một hệ thống phòng thủ lợi dụng được triệt để các điều kiện thuận lợi của địa hình thiên nhiên. Đây chính là sở chỉ huy đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn.

Tây Sơn hạ đạo là vùng đất phía tây nam phủ Quy Nhơn. Dưới mắt của các thủ lĩnh nghĩa quân: đây là mục tiêu quan trọng nhất trong toàn bộ kế hoạch giải phóng miền đồng bằng của họ. Trước hết, Tây Sơn hạ đạo là quê hương của nhiều các tướng lĩnh nghĩa quân. Kiên Mỹ, Phú Lạc đất Kiên Thành xưa, trung tâm của Tây Sơn hạ đạo là quê nội và quê ngoại của anh em Nguyễn Huệ. Đối diện với ấp Kiên Thành ở bên kia sông Côn là Xuân Hòa, nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, sát thị trấn Phú Phong là quê hương của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Cùng quê với Bùi Thị Xuân có tướng Vũ Văn Dũng, đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu và nhiều dũng tướng khác của nghĩa quân đã sinh ra và lớn lên ở Tây Sơn hạ đạo. Từ khi tiến xuống Tây Sơn hạ đạo, phong trào Tây Sơn đã phát triển rất nhanh chóng. Trên cơ sở đó, cơ cấu tổ chức của nghĩa quân cũng ngày một chặt chẽ hơn. Người đứng đầu là Nguyễn Nhạc-Đệ nhất trại chủ: trực tiếp coi giữ hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn; Nguyễn Thung-Đệ nhị trại chủ: phụ trách huyện Tuy Viễn; Huyền Khê- Đệ tam trại chủ phụ trách việc binh lương. Trong thực tế, toàn bộ phủ Quy Nhơn và các vùng phụ cận nằm trong sự kiểm soát của nghĩa quân Tây Sơn.

Vào đầu tháng 9-1773, Tây Sơn do Nguyễn Nhạc, Nguyễn Thung, Nhưng Huy, Tứ Linh… chỉ huy, đã từ Kiên Thành, từ nguồn An Tượng bí mật bao vây tiến công phủ thành Quy Nhơn. Quân chúa Nguyễn ở đây nhiều nhưng không có sức chiến đấu nên nhanh chóng tan rã. Viên Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ chạy tháo thân, đánh rơi mất cả ấn tín, thừa thắng, đại quân Tây Sơn đánh chiếm luôn Càn Dương (nay thuộc thôn Trường Thịnh, xã Cát tiến, huyện Phù Cát). Toàn bộ phủ Quy Nhơn trở thành hậu phương, thành căn cứ địa rộng lớn và vững chắc của nghĩa quân, là cơ sở để anh em Nguyễn Huệ tiến quân vào Nam, ra Bắc.

Tây Sơn thượng đạo và Tây Sơn hạ đạo nói riêng và dải đất miền Trung Nam Bộ, Tây Nguyên nói chung chính là nguồn gốc để làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, làm nên chiến công chống ngoại xâm lừng lẫy ở Rạch Gầm-Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa… Đúng như người anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ đã khẳng định trong Hịch gửi quân và dân Quảng Ngãi và Quy Nhơn ngày 27-8-1792: “Trong suốt thời gian qua, nếu anh em ta giành được những thắng lợi trong Nam, ngoài Bắc cũng là nhờ vào lòng trung thành của hai phủ. Chính ở đây, anh em ta tìm thấy những người dũng cảm và những bề tôi lương đống để lập nên triều đình”.