Đề cương Ngữ Văn 9 Kì 2
Ngày đăng: Lượt xem:
Đề cương ôn tập Ngữ văn 9– Học kì II
NĂM HỌC : 2019 – 2020
A .NỘI DUNG ÔN TẬP NGỮ VĂN 9.
I. Phần văn bản.
1.Văn bản nghị luận hiện đại:
– Đọc kỹ 2 bài văn bản: Bàn về đọc sách – Chu Quang tiềm ; Tiếng nói văn nghệ – Nguyễn Đình Thi; Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan. Nêu được nội dung nghệ thuật.
2. Văn học hiện đại Việt nam:
a. Thơ hiện đại:
– Học thuộc phần tác giả: Thanh Hải, Viễn Phương, Hữu Thỉnh, Y Phương,
– Học thuộc lòng và nắm được nội dung, nghệ thuật các bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Viếng Lăng Bác, Sang thu, Nói với con của các tác giả trên.
b. Truyện hiện đại:
Học thuộc lòng và nắm được nội dung, nghệ thuật các truyện Làng, Chiếc lược ngà , Lặng lẽ Sa Pa , Những ngôi sao xa xôi các tác giả trên.
II.PHẦN TIẾNG VIỆT:
1.Thế nào là thành phần khởi ngữ ? Cho ví dụ
2.Thành phần biệt lập là gì ? Có mấy thành phần biệt lập, nêu khái niệm? Cho ví dụ mỗi loại
III.PHÀNTẬP LÀM VĂN:
I.Lý thuyết:
– Nắm được một số phép lập luận trong văn nghị luận như: phân tích, tổng hợp. Học ghi nhớ.
– Phân biệt các kiểu bài nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống, nghị luận về một vấn đề tưởng đạo lí, nghị luận văn học ( Nghị luận thơ và nghị luận về tác phẩm truyện.)
– Biết liên kết câu, liên kết đoạn văn trong văn bản đê viết được đoạn văn, bài văn mạch lạc có liên kết .
MỘT SỐ DẠNG ĐỀ THỰC HÀNH TIÊU BIỂU
Câu 1: Chép nguyên văn khổ thơ cuối của bài Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương. Cho biết nghệ thuật đặc sắc của khổ thơ đó.
Câu 2: Chép khổ thơ cuối bài Sang thu của Hữu Thỉnh. Cho biết giá trị nội dung và nghệ thuật của khổ thơ.
Câu 3: Những hình ảnh ẩn dụ “mặt trời”, “vầng trăng”, “trời xanh” trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương có tác dụng như thế nào trong việc biểu hiện tình cảm, cảm xúc của nhà thơ đối với Bác Hồ.
Câu 4: Suy nghĩ về tình cha con trong Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Câu 5: Phát biểu suy nghĩ của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
Câu 6: Em hãy làm sáng tỏ nhận định sau: “ Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng thể hiện tình yêu và khát vọng được cống hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải.
Câu 7: Suy nghĩ của em về nhan đề bài thơ: “Mùa xuân nho nhỏ”.
Câu 8: Nêu những nét chính về tác giả Thanh Hải và hoàn cảnh ra đời bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.
PHẦN B:GỢI Ý ĐÁP ÁN
I.Phần văn bản:
1.Văn bản nghị luận hiện đại;Xem phần ghi nhớ :SGK
2. Văn học hiện đại Việt nam:
** Nội dung nghệ thuật:
-Văn bản :Mùa xuân nho nhỏ.
*Nội dung:
Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước,với cuộc đời;Thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước,góp một mùa xuân nho nhỏ của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
*Nghệ thuật :
-Nhạc điệu trong sáng thiết tha, tứ thơ sáng tạo tự nhiên, h/a thơ gợi cảm.
– NT so sánh sáng tạo.
-Văn bản :Viêng lăng Bác.
*Nội dung:
Lòng thành kính xúc động của nhà thơ và của mọi người đối với Bác Hồ khi vào lăng viếngBác.
*Nhệ thuật :
– Giọng điệu trang trọng thiết tha – Nhiều h/a ẩn dụ đẹp gợi liên tưởng
– Sử dụng điệp từ, điệp ngữ.
-Văn bản :Sang thu.
*Nội dung:
Cảm nhận tinh tế của tác giả về sự biến chuyển nhẹ nhàng của thiên nhiên khi vào thu.
*Nghệ thuật :
-Hình ảnh gợi tả bằng nhiều cảm giác.Giọng thơ nhẹ nhàng mà lắng đọng.
-Văn bản :Nói với con.
*Nội dung:
Bằng lời trò chuyện với con, tác giả thể hiện sự gắn bó, niềm tự hào với quê hương và đạo lí sống của dân tộc.
*Nhệ thuật :
– Cách nói giàu h/a: vừa gần gũi mộc mạc, vừa có sức khái quát cao. Giọng điệu tha thiết.
b. Truyện hiện đại:
-Văn bản :Làng.
*Nội dung:
Qua tâm trạng đau xót, tủi hổ của ông Hai ở nơi tản cư khi nghe tin đồn làng mình theo giặc, truyện thể hiện tình yêu làng, yêu quê sâu sắc, thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến của người nông dân.
*Nghệ thuật :
Xây dựng tình huống nhân vật, nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật
-Văn bản Chiếc lược ngà.
*Nội dung:
Câu chuyện éo le và cảm động về hai cha con: Ông Sáu và bé Thu trong lần ông về thăm nhà và ở khu căn cứ. Qua đó truyện ca ngợi tình cha con thắm thiết trong hoàn cảnh chiến tranh
*Nghệ thuật :
Truyện thành công trong việc miêu tả tâm lí và xây dựng tính cách nhân vật, đặc biệt là nhân vật bé Thu.
-Văn bản :Lặng lẽ Sa Pa.
*Nội dung:
Cuộc gặp gỡ tình cờ của ông họa sĩ, cô kĩ sư mới ra trường với người thanh niên làm việc một mình tại trạm khí tượng trên núi cao Sa Pa. Qua đó truyện ca ngợi những ngời lao động thầm lặng, có cách sống đẹp, cống hiến sức mình cho đất nước.
*Nhệ thuật :
Truyện xây dựng được tình huống hợp lí, cách kể chuyện tự nhiên, có sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình với bình luận
-Văn bản :Những ngôi sao xa xôi.
*Nội dung:
Cuộc sống, chiến đấu của ba cô gái TNXP trên một cao điểm ở tuyến đường trường sơn trong những năm chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Truyện làm nổi bật tâm hồn trong sáng, giàu mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất hồn nhiên, lạc quan của họ.
*Nghệ thuật :
Truyện sử dụng vai kể là nhân vật chính, cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ sinh động và thành công trong miêu tả tâm lí nhân vật
II.PHẦN TIẾNG VIỆT : Xem SGK và làm tất cả bài tập liên quan
1. Tìm các thành phần khởi ngữ, thành phần tình thái, thành phần cảm thán, thành phần gọi – đáp, thành phần phụ chú trong các trường hợp sau:
a) Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa đã cắt cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy.
b) Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.
c) Bỗng nhận ra hương Ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.
d) Mà Ông, thì ông không thích nghĩ ngợi như thế một tí nào.
e) Chết nỗi, hai ông bị chúng nó đuổi phải không?
f) – Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?
g) Nhìn cảnh ấy, bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt, còn tôi, tôi bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm gì ấy trái tim tôi.
h) Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bê chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kê dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát.
2. Chuyển các câu sau thành câu có thành phần khởi ngữ:
a) Tôi không đi chơi được.
b) Không bao giờ ta đọc qua một lần một bài thơ hay mà rời ngay xuống được.
c) Con không bao giờ mặc tấm áo ấy nữa.
3. Tìm thành phần gọi – đáp trong bài ca dao sau và cho biết lời gọi – đáp đó hướng đến ai.
Cày đồng đang buổi ban trưa,
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.
Ai ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
4. Tìm thành phần phụ chú trong các trường hợp sau và cho biết ý nghĩa của chúng.
a) Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh,mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.
b) Em để nó ở lại – Giọng em ráo hoảnh – Anh phải hứa với em không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau.
5. Viết một đoạn văn ngắn thuyết minh về một cảnh đẹp ở quê em, trong đó có sử dụng câu chứa thành phần tình thái và thành phần cảm thán.
Gợi ý
1. Vận dụng hiểu biết về đặc điểm và công dụng của các thành phần khỏi ngữ và các thành phần biệt lập, HS nhận diện các thành phần đó trong các câu đã cho.
a) Thành phần phụ chú: rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân; và cũng rất tự nhiên.
b) Thành phần gọi – đáp: ơi.
c) Thành phần tình thái: hình như.
d) Thành phần đề ngữ: (mà) ông.
e) Thành phần cảm thán: chết nỗi.
f) Thành phần cảm thán: than ôi!
g) Thành phần khởi ngữ: còn tôi.
h) Thành phần tình thái: thì ra.
2. HS tự chọn đối tượng cần nhấn mạnh trong câu (nêu ở chủ ngư, vị ngữ hoặc bổ ngữ,…) và tạo khởi ngữ phù hợp.
Ví dụ: Câu có thể tạo thành các câu có khởi ngữ như sau:
– Con thì con không bao giờ mặc tấm áo ấy nữa.
– Mặc thì con không bao giờ mặc tấm áo ấy nữa.
– Tấm áo ấy, con không bao giờ mặc nó nữa.
3. Thành phần gọi – đáp trong bài ca dao: ai ơi. Thành phần này không hướng đến một đối tượng nào cụ thể. Điều đó có nghĩa là đối tượng mà bài ca dao hướng đến có thể là bất kì ai, là tất cả mọi người, gợi mở ý nghĩa sâu xa của lời nhắn nhủ trong bài ca dao.
4. Nhận diện thành phần phụ chú và nêu ý nghĩa:
a) Một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh: giải thích cho cụm từ buổi mai hôm ấy
b) Giọng em ráo hoảnh: bình luận về cách nói của người em.
5. Đoạn văn yêu cầu thuyết minh về một cảnh đẹp ở quê em. Có thể chọn viết về một cảnh đẹp thiên nhiên hoặc một di tích lịch sử. Cần sắp xếp ý để viết được đoạn văn hoàn chỉnh về nội dung và hình thức, trong đó sử dụng ít nhất một câu có thành phần tình thái và một câu có thành phần cảm thán.
6. Thành phần in đậm trong câu: “Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm” là thành phần biệt lập nào?
a. Thành phần tình thái
b. Thành phần cảm thán
c. Thành phần phụ chú
d. Thành phần gọi – đáp
7. Trong các câu sau, câu nào không chứa khởi ngữ:
a. Giàu, tôi cũng giàu rồi
b. Về các môn tự nhiên, Nam là người học rất giỏi
c. Hiểu thì tôi hiểu rồi, nhưng giải thì tôi chưa giải được
d. Tôi không đi Hà Nội vào ngày mai
d. Phép liên tưởng
8. Thành phần in đậm trong câu: “Thưa ông, chúng cháu ở Lào Cai lên đấy ạ” là thành phần:
a. Thành phần tình thái
b. Thành phần goi – đáp
c. Thành phần cảm thán
d. Thành phần phụ chú
9. Xác định các thành phần biệt lập trong câu sau:
a. Bác sĩ ơi! Đã có ánh sáng rồi! Mời bác sĩ sang xem.
b. Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
c. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu
d. Mùa đông năm nay chắc lạnh hơn mùa đông năm trước
10.Em hãy viết một đoạn văn từ 5 – 7 câu phân tích ý nghĩa nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Hướng dẫn: HS viết được đoạn văn chỉ ra được ý nghĩa nhan đề Mùa xuân nho nhỏ: (2đ)
– Biểu tượng cho những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi con người
– Sự thống nhất giữa cái riêng với cái chung, giữa cái tôi cá nhân với cái ta cộng đồng
– Nguyện ước muốn làm một mùa xuân cống hiến những gì tươi đẹp nhất cho cuộc đời, cho đất nước một cách khiêm nhường và lặng lẽ
Đáp án và thang điểm đề kiểm tra 1 tiết Tiếng Việt lớp 9
I. Phần trắc nghiệm
1 2 3 4 5 6
b c d b a b
II. Phần tự luận
1.
a. Bác sĩ ơi! Đã có ánh sáng rồi! Mời bác sĩ sang xem.
→ Thành phần gọi – đáp: Bác sĩ ơi! (1đ)
b. Cô bé nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
→ Thành phần phụ chú (có ai ngờ) (1đ)
c. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu
→ Thành phần cảm thán: than ôi! (1đ)
d. Mùa đông năm nay chắc lạnh hơn mùa đông năm trước
→ Thành phần tình thái: chắc (1đ)
11. Chỉ ra các thành phần biệt lập của câu trong mỗi câu sau:
a) Tác giả thay mặt cho đồng bào miền Nam – những người con ở xa – bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.
b, Ôi kì lạ và thiêng liêng – Bếp lửa (Bếp lửa – Bằng Việt)
Gợi ý:
a) Thành phần phụ chú: những người con ở xa
b) Thành phần cảm thán: Ôi
12 : Tìm các thành phần tình thái, cảm thán trong những câu sau đây :
a, Nhưng còn cái này nữa mà ông sợ, có lẽ còn ghê rợn hơn cả những tiếng kia nhiều.
b, Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.
c, Ông lão bỗng ngừng lại ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đổ đốn đến thế được.
Gợi ý:
a, Thành phần tình thái: có lẽ
b, Thành phần cảm thán: Chao ôi
c, Thành phần tình thái: Chả nhẽ
13: Xác định thành phần phụ chú, thành phần khởi ngữ trong các ví dụ sau:
a, Thế rồi bỗng một hôm, chắc rằng hai cậu bàn cãi mãi, hai cậu chợt nghĩ kế rủ Oanh chung tiền mở cái trường
(Nam Cao)
b) Lan – bạn thân của tôi – học giỏi nhất lớp.
c. Nhìn cảnh ấy mọi người đều chảy nước mắt, còn tôi, tôi cảm thấy như
có ai đang bóp nghẹt tim tôi.
(Nguyễn Quang Sáng – Chiếc lược ngà)
d. Kẹo đây, con lấy mà chia cho em.
* Gợi ý:
– Thành phần phụ chú: a) chắc rằng hai cậu bàn cãi mãi
b) bạn thân của tôi
– Thành phần khởi ngữ: c) còn tôi,
d) kẹo đây
14. Xác định các thành phần biệt lập (gọi tên) và cho biết công dụng ý nghĩa của chúng trong từng câu sau đây
a. Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
b. Cô bé nhà bên( có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn ( thương thương quá đi thôi)
c. Móng Cái- quê tôi là nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S Việt Nam
d. Mày ơi, đi ăn chè với tao đi!
e. Trời ơi, tôi không thể ngờ được rằng chính anh ta lại là hung thủ gây ra sự việc này.
f. Có lẽ tôi đã sai khi không chịu nghe lời ba mẹ
g. Thi đại học, tôi đã đỗ thủ khoa năm ấy
h. Với tôi, gia đình là quan trọng nhất
i. Tôi yêu anh ấy, có lẽ vậy.
k. Ôi, anh ấy ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ
III.PHÀNTẬP LÀM VĂN: Một số gợi ý cho dàn bài tập làm văn.
Đề 1.
Tình cảm chân thành và tha thiết của nhân dân ta với Bác Hồ được thể hiện qua bài thơ “ Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương.
a .Mở bài :
– Khái quát chung về tác giả và bài thơ.
– Tình cảm của nhân dân đối với Bác thể hiện rõ nét trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương
b.Thân bài:
Khổ 1 : Cảm xúc của tác giả khi đến thăm lăng Bác
– Câu thơ thật giản dị thân quen với cách dùng đại từ xưng hô “con” rất gần gũi, thân thiết, ấm áp tình thân thương.
– Tác giả sử dụng từ “thăm” thay cho từ “viếng” mong sao giảm nhẹ được nỗi đau thương, mất mát.
– Hình ảnh hàng tre qua cảm nhận của nhà thơ đã trở thành biểu tượng của tình cảm nhân dân gắn bó với Bác, thành biểu tượng sức sống bền bỉ, mạnh mẽ của dân tộc.
Khổ 2: Sự tôn kính của tác giả, của nhân dân đối với Bác khi đứng trước lăng Người.
– Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời trong lăng” thể hiện sự tôn kính biết ơn của nhân dân đối với Bác. Cảm nhận về sức sống tư tưởng Hồ Chí Minh, về suy nghĩ Bác còn sống mãi chứa đựng trong mỗi hình ảnh của khổ thơ.
-Hình ảnh dòng người thành một tràng hoa trước lăng. =>Hình ảnh “tràng hoa” một lần nữa tô đậm thêm sự tôn kính, biết ơn tự hào của tác giả cũng như của dân tộc VN đối với Bác.
Khổ 3-4 : Niềm xúc động nghẹn ngào khi tác giả nhìn thấy Bác
– Những cảm xúc thiêng liêng của nhà thơ về Bác
– Những cảm xúc chân thành, tha thiết ấy nâng lên thành ước muốn sống đẹp.
– Những cảm xúc của nhà thơ về Bác cũng là cảm xúc của mỗi người dân miền Nam với Bác
c. Kết bài :- Khẳng định lại tình cảm chân thành tha thiết của nhân dân đối với Bác.
– Suy nghĩ của bản thân.
Đề 2:
Cảm nhận của em về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”của Thanh Hải.
* Gợi ý :
a. Mở bài:
– Khái quát về tác giả, hoàn cảnh sáng tác bài thơ.
– Cảm nhận chung về bài thơ trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn làm “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến cho cuộc đời.
b. Thân bài
– Mùa xuân của thiên nhiên rất đẹp, đầy sức sống và tràn ngập niềm vui rạo rực: Qua hình ảnh, âm thanh, màu sắc…
– Mùa xuân của đất nước: Hình ảnh “người cầm súng, người ra đồng” biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và lao động dựng xây lại quê hương sau những đau thương mất mát.
-> Âm hưởng thơ hối hả, khẩn trương với nhiều điệp từ, điệp ngữ láy lại ở đầu câu.
– Suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân đất nước là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp.
-> Thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp.
– Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và mang một ý nghĩa mới: Niềm mong muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời.
c. Kết luận:
– Ý nghĩa đem lại từ bài thơ.
– Cảm xúc đẹp về mùa xuân, gợi suy nghĩ về một lẽ sống cao đẹp của một tâm hồn trong sáng.
Đề 3:
Những cảm nhận tinh tế, sâu sắc của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu qua bài thơ “Sang thu”.
Gợi ý:
I. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả tác phẩm Sang thu của Hữu Thỉnh
Bài thơ chính là cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu
Bài thơ được sáng tác 1977 , in lần đầu trên báo Văn nghệ, sau đó được in lại nhiều lần trong các tập thơ
II. Thân bài
1. Phân tích cảm nhận tinh tế của nhà thơ trong gió se về tín hiệu sang thu
– Cảm nhận tín hiệu thu về ở không gian gần bằng nhiều giác quan và sự rung cảm tinh tế
+ Hương ổi chín lan vào không gian, phả vào gió se
+ Sương đầu thu giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm nơi đường thôn ngõ xóm
+ Từ “bỗng” diễn tả sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng của nhà thơ trước những phát hiện thú vị báo thu về
+ Động từ “phả” gợi lên hương thơm của ổi chín như sánh lại, luồn vào trong gió gợi lên cho người đọc hình dung được không gian và thời gian của tiết sang thu
+ Gợi ra hình dung của hương ổi chín lan trong không gian, phả vào gió se
+ Chùng chình – nghệ thuật nhân hóa: sương như có ý chậm lại, quấn quýt, điều đó cũng gợi hình ảnh về bước đi của thời gian, nhẹ nhàng
2. Cảm nhận những chuyển biến tinh tế của đất trời lúc thu sang
– Khoảnh khắc giao mùa được diễn tả thú vị qua đám mây mùa hạ “vắt nửa mình sang thu” – nghệ thuật nhân hóa diễn tả sự nuối tiếc, sự lưỡng lự trước khi chuyển mùa
– Hình ảnh dòng sống trôi thanh thản, êm dịu chính là sự lắng đọng, “dềnh dàng” đặc trưng của mùa thu
– Chim “vội vã”: nghệ thuật nhân hóa, dường như chim muông cũng cảm nhận được sự chuyển giao của mùa mới nên tìm cho mình hướng đi
→ Các hình ảnh, chi tiết đặc sắc giàu sức gợi hình tái hiện chân thật góc nhìn cũng như cảm xúc say sưa, hòa nhịp của tác giả trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất trời
3. Phân tích những tâm tư, suy ngẫm của tác giả
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
– Các tính từ chỉ mức độ “vẫn còn”, “vơi dần” bớt từ chỉ mức độ rằng hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn
– Quan sát tinh tế, nhạy cảm của tác giả: Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi
+ Hình ảnh thực của tự nhiên sang thu sấm thưa thớt, không còn dữ dội làm lay động hàng cây nữa
+ Nghệ thuật nhân hóa: “bớt bất ngờ”- trạng thái của con người
+ Hàm ý: con người khi cứng cáp, trưởng thành sẽ không còn sợ, hay cảm thấy bất ngờ trước những thử thách, sóng gió của cuộc đời. Con người từng trải sẽ vững vàng, kiên định hơn trước những tác động bất thường từ ngoại cảnh.
III. Kết bài
Khẳng định giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
+ Sang thu là bài thơ đẹp thể hiện những rung động tinh tế của tác giả trước khoảnh khắc chuyển mùa hạ sang thu. Qua đó nêu bật lên chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời, con người
Nghệ thuật: sử dụng nhiều từ láy, tính từ gợi trạng thái, hình ảnh chân thực
Nghệt thuật nhân hóa mang lại cái hồn cho bài thơ, nghệ thuật ẩn dụ tạo chiều sâu về cảm xúc và suy nghĩ.
*Đề 4:
Cảm nhận của em về bài thơ Nói với con của Y Phương. Bài thơ gợi cho em những suy nghĩ gì về trách nhiệm của người làm con?
Dàn ý chi tiết.
I. Mở bài
Khái quát: Bài thơ ra đời cuối những năm bảy mươi của thế kỉ XX, khi cả đất nước đứng trước hiện thực khó khăn sau chiến tranh. Với hai mươi tám câu thơ tự do, bài thơ có thể chia làm hai phần. Mười một câu thơ đầu là tình cảm gia đình, quê hương đầm ấm, tươi vui. Mười bảy câu còn lại là truyền thống nghĩa tình, sức sống mạnh mẽ của người đồng mình và mong muốn của người cha.
II. Thân bài
1. 11 câu thơ đầu: Tình cảm gia đình, quê hương đầm ấm, yên vui.
Gia đình, quê hương là cái nôi đầu đời của mỗi con người. Tình cảm gia đình, quê hương là sợi dây vô hình níu giữ bước chân của những con người xa quê với cội nguồn. Với giọng điệu tâm tình nhỏ nhẹ, Y Phương cho ta cảm nhận niềm hạnh phúc gia đình bình dị mà ai trong chúng ta cũng từng được trải qua:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Đó là những bước đi chập chững đầu tiên, gia đình tràn ngập trong “tiếng nói, tiếng cười” yên vui. Khi con lớn lên, cha mẹ vẫn luôn theo dõi bước chân của con trên mọi nẻo đường đời. Cha mẹ là điểm tựa vững chắc nâng đỡ từng bước con đi, không gì hạnh phúc bằng con có cha mẹ.
Bảy câu thơ tiếp: Con còn lớn lên trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương.
“Người đồng mình” là người vùng mình, người quê hương. Đây là cách nói giản dị, thân thuộc, mộc mạc của người miền núi.
Cuộc sống lao động tươi vui của người miền núi:
Đan lờ cài nan hoa
Cách nhà ken câu hát
“Đan lờ” để bắt cá, “ken” vách nhà làm chỗ che nắng, che mưa, những công việc lao động hàng ngày qua cách liên tưởng của tác giả trở nên thi vị, lãng mạn, đầy chất thơ. Động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả những động tác, cử chỉ cụ thể, vừa nối liền cuộc sống vật chất và tinh thần. Lao động, xây dựng cuộc sống no ấm, từ đó mà nảy sinh thơ ca, nhạc họa, nảy sinh đời sống tinh thần phong phú (hoa, câu hát).
Hoa biểu tượng cho cái đẹp. “Rừng cho hoa” để tâm hồn người đồng mình thêm phong phú, biết yêu thương, trân trọng những giá trị tinh thần. “Con đường cho những tấm lòng” thơm thảo, biết sẻ chia, biết đồng cảm nỗi buồn vui. Thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình đã nuôi dưỡng, chở che con người, nếu con người biết gắn bó với quê hương, quê hương sẽ cho tất cả những gì tốt đẹp nhất cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. “Người không phụ đất thì đất chẳng phụ người”.
Y Phương đã vận dụng lối diễn đạt của người dân tộc, thiên về cách nói cụ thể, vừa sinh động, khái quát mà vẫn không kém phần thi vị về vẻ đẹp cuộc sống lao động của người miền núi.
2. 17 câu còn lại: Những đức tính cao đẹp của người đồng mình và mong muốn của người cha qua lời tâm sự với con.
Mỗi lần người cha tâm sự với con về “người đồng mình” thì một lần phẩm chất cao đẹp của người đồng mình lại hiện ra.
a. Người đồng mình … cực nhọc.
– “Người đồng mình” cuộc sống vất vả “lên thác xuống ghềnh” nhưng giàu chí khí, biết lấy “nỗi buồn” mà “nuôi chí lớn”, lấy cái cao xa của đất trời làm thước đo “nỗi buồn” và “chí lớn” ấy.
– Người cha muốn con ghi nhớ lấy những truyền thống ấy để mà thương mà nhớ:
“Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn…nghèo đói”.
Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là mảnh đất thiêng liêng, càng nghèo khó, càng phải gắn bó sẻ chia. Bởi vậy, mà quê hương đi vào văn học với một niềm thương nỗi nhớ của bao thế hệ. Họ tự hào hát về quê hương. Người dân xứ Nghệ hát về quê mình:
“Ơi Hà Tĩnh mình, đường về có nhớ
Trời chang chang nắng ai quàng áo tơi
Cho ta thương nhau mồ hôi chát mặn
Cho ta thương nhau vầng trăng không lẻ bạn
Đứt ruột nhớ mong…”
Người Quảng Bình tự hào:
“Giữ lấy đất trời của quê hương ta
Giữ lấy con người mà ta yêu quý…”
Quê hương dù nghèo đói, khổ đau… nhưng bát cơm, dòng nước quê hương vẫn chảy trong ta, nơi đó ấp iu bao nghĩa tình. Nhạc sĩ khẳng định:
“Sông cứ chảy trong ta, núi cứ lớn trong ta
Đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về”
Bởi như nhà thơ Đỗ Trung Quân từng nói:
“Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nỗi thành người”.
b. “Người đồng mình thô sơ da thịt” nhưng không nhỏ bé về tâm hồn. Như đã nói ở trên, họ giàu chí khí, tâm hồn phong phú, biết đồng cảm, sẻ chia.
c. Người đồng mình… phong tục.
– “Đục đá”, một cách nói cụ thể diễn đạt công việc lao động vất vả theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Dẫu phải “đục đá”, họ vẫn muốn lao động xây dựng quê hương giàu đẹp, “kê cao quê hương”. Một tình yêu chân chính, sâu sắc phải được biểu hiện bằng hành động cụ thể. Yêu quê hương mà quê hương vẫn còn nghèo khó thì phải lao động để xây dựng quê hương. Còn “quê hương thì làm phong tục”, “phong tục” là lối sống, nếp sống sinh hoạt đẹp đẽ của quê hương. Lối sống đó sẽ theo con đi bốn phương trời, nhớ về quê hương là nhớ những phong tục đẹp đẽ ấy.
– Từ những truyền thống đẹp đẽ của quê hương, từ những phẩm chất của người đồng mình, người cha mong muốn:
Con ơi, tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
Lần thứ nhất người cha nói đến “Người đồng mình thô sơ da thịt” để nói cho con về sức sống mạnh mẽ của quê hương, sức mạnh truyền thống của quê hương; lần thứ hai, người cha nhắc lại như để con khắc cốt ghi xương rằng: quê hương mình tuy mộc mạc, chân chất, người đồng mình tuy thô sơ da thịt nhưng sống cao đẹp, nên trên đường đời con phải làm những điều lớn lao, con phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng là “người đồng mình”. “Lên đường” đi xa con phải biết tự hào về quê hương và tự tin để bước vào đời. Truyền thống của quê hương, niềm tự hào về quê hương trở thành hành trang con mang theo trên mọi nẻo đường. Người cha đã truyền cho con mình vẻ đẹp, sức mạnh của truyền thống quê hương.
Kết bàiThể thơ tự do, với số câu chữ không theo khuôn định phù hợp với mạch cảm xúc tự nhiên, linh hoạt của bài thơ. Nhịp điệu lúc bay bổng, nhẹ nhàng, lúc khúc chiết, rành rọt, lúc mạnh mẽ, sắc nhọn,… tạo ra sự cộng hưởng hài hoà với những cung bậc tình cảm khác nhau trong lời người cha truyền thấm sang con. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, hình ảnh mộc mạc, cô đọng mà vẫn phong phú, sinh động, quyến rũ